trang chủ Tin tức Người dùng mong chờ giảm 50% phí trước bạ cho ô tô sản xuất trong nước

Người dùng mong chờ giảm 50% phí trước bạ cho ô tô sản xuất trong nước

Thông tin Bộ Tài chính đề nghị giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ ngày 1/8/2024 đang được người dân háo hức chờ đón bởi có thể giảm bớt chi phí khi sở hữu ô tô.

Người dân háo hức

Trước thực tế doanh số bán hàng "ảm đạm" vài tháng qua, các đại lý ô tô đang rất kỳ vọng, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ mà Bộ Tài chính đề nghị sẽ tạo một "cú hích" trong những tháng còn lại của năm.

Chị Mai Hương, nhân viên bán hàng xe của một showroom trên đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội) cho hay, thời gian qua nhiều khách hàng đã tìm tới xem các loại xe và thậm chí là đã đặt cọc để lấy xe bởi nghe tin Nhà nước sẽ lại giảm 50% lệ phí trước bạ cho các loại xe lắp ráp, sản xuất trong nước.

Khách hàng tham quan một showroom ô tô

Tuy nhiên, hiện đã vào tháng 7 mà việc giảm 50% lệ phí trước bạ vẫn chưa được thực hiện và Bộ Tài chính hiện đề xuất chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ áp dụng trong 6 tháng, từ 1/8/2024 - 31/1/2025 nên đại lý cũng phải trao đổi lại với khách hàng. Thậm chí phải hỗ trợ xử lý giúp cho một số khách hàng chuẩn bị mua xe bằng việc vay ngân hàng vì chưa lấy xe như dự tính trước đó bởi lệ phí trước bạ chưa được hỗ trợ.

Cũng đang định tậu xe dịp này, anh Minh Hoàng ở quận Tây Hồ cho hay, đã ngắm nghía được vài mẫu xe phù hợp ở tầm 700-800 triệu đồng nhưng nghe thông tin Nhà nước có thể giảm lệ phí trước bạ cho xe sản xuất, lắp ráp trong nước thì rất trông đợi.

“Năm nay công việc của tôi vẫn thuận lợi nhưng công việc của bà xã có thay đổi, thu nhập giảm hơn nên tiết kiệm được vài chục triệu tiền lệ phí trước bạ khi mua xe là rất tốt. Tôi rất chờ mong”, anh Minh Hoàng nói.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam cũng cho biết, nhu cầu tiêu dùng ô tô phụ thuộc rất nhiều yếu tố và luôn biến động. Do đó, nếu được giảm thuế trước bạ, người tiêu dùng sẽ là đối tượng được hưởng lợi đầu tiên.

Báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và Tập đoàn Thành Công cho thấy, doanh số bán xe ô tô 4 tháng đầu năm 2024 đã sụt giảm nghiêm trọng, chỉ đạt 82.515 xe, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2023 và giảm 38% so với cùng kỳ năm 2022.

Doanh số bán ô tô năm 2023 cũng chỉ đạt 343.827 chiếc, giảm 22% so với năm 2023 và dự báo năm 2024 sẽ tiếp tục giảm sâu so với năm 2023 nếu không có các chính sách  hỗ trợ kịp thời, đồng bộ từ Chính phủ.

Trước thực tế thị trường ô tô đang sụt giảm mạnh, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước cũng liên tục đề ra nhiều chương trình hỗ trợ, ưu đãi nhằm khuyến khích người tiêu dùng mua sắm.

Cũng bởi vậy mà Nghị quyết số 44/2024/NQ-CP đã yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu trình Chính phủ xem xét ban hành quy định gia hạn nhiều loại thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sản xuất trong nước…), giảm lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước… nhằm mục tiêu tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Hiện tại việc gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong năm 2024 cũng đã được triển khai với với quy mô dự kiến khoảng 8.560 tỷ đồng.

Bộ Tài chính cũng đã xuất giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, trong 6 tháng, từ 1/8/2024 đến 31/1/2025.

Theo đánh giá của Bộ này, việc tiếp tục giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có tác động tích cực đối với người tiêu dùng như một giải pháp hỗ trợ tài chính, khuyến khích tiêu dùng.

Trước đó, quá trình triển khai thực hiện chính sách giảm mức thu lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được thực hiện 3 lần trước cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra khi ban hành, có tác động tích cực đối với người tiêu dùng, nhà sản xuất và phân phối ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước nói riêng và đối với nền kinh tế nói chung.

Giữ sản xuất công nghiệp, tạo đà cho ổn định

Theo ông Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các chuyên gia quốc tế đã cảnh báo nguy cơ chưa giàu đã già ở một số nước khi dịch chuyển cơ cấu kinh tế sớm. Cụ thể, nếu GDP bình quân đầu người dưới 10.000 USD/năm, cần quan tâm nhiều hơn tới phát triển công nghiệp. Nếu đạt mức trên 10.000 USD/năm, thì sẽ chuyển sang dịch vụ.

“Quan sát của các chuyên gia quốc tế cũng cho thấy, nếu cơ cấu kinh tế có tỷ trọng công nghiệp chiếm cao và thực sự phát triển thì sẽ không giảm tốc độ phát triển”, ông Sinh nói và nhận xét, ở Việt Nam đã có sự chuyển sớm, nghĩa là chưa phát triển đến tầng nấc cao hơn thì đã chuyển sang dịch vụ và từ bỏ công nghiệp sớm.  Điều này giống như chưa có gốc đã đi buôn, thích đi buôn để giàu nhanh.

Mẫu xe điện IONIQ5 được xuất xưởng từ Nhà máy Hyundai tại Ninh Bình

Cũng chia sẻ quan điểm này, ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ từng thẳng thắn khuyến cáo, với bất cứ quốc gia nào, nếu phụ thuộc cả vào nhập khẩu sẽ khó tồn tại, nên phải có chính sách để doanh nghiệp tiếp tục mạnh dạn đầu tư ngay tại Việt Nam, nhất là ở những ngành được coi là khó như cơ khí chế tạo hay thép - bánh mì của công nghiệp.

Là Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI),ông Nguyễn Chỉ Sáng cho hay, ngành cơ khí chế tạo của Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn. Điều này có nhìn thấy rõ từ thị trường ô tô năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024.

Doanh số bán ô tô đã có sự giảm sút mạnh, kéo theo sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ trong nước khó khăn, tiếp tục đối diện với các thách thức như gián đoạn sản xuất, đơn hàng bị sụt giảm đáng kể, và khó khăn để duy trì nhịp sản xuất, nhằm đảm bảo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động.

Theo tổng kết của Bộ Tài chính, chính sách giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đã góp phần tăng quy mô của thị trường ô tô nội địa, qua đó kích thích nhu cầu đối với các sản phẩm công nghiệp phụ trợ ô tô, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành công nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng như kim loại, cơ khí, điện tử, hóa chất, cao su..., phù hợp với Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Từ đó, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội, thu hút khoa học công nghệ hiện đại vào Việt Nam và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ở một khía cạnh khác, sự tấp nập của các phương tiện giao thông cũng góp phần duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định của Nhà máy lọc dầu Dung Quất và Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn, từ đó đóng góp nguồn thu lớn cho Ngân sách Nhà nước cũng như có tiềm lực để triển khai các kế hoạch đầu tư mở rộng, nâng cấp như đã định.

Cụ thể, chỉ tính riêng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, từ năm 2009-2023 đã đóng góp cho ngân sách hơn 210.000 tỷ đồng. Tại Liên hợp lọc hóa Nghi Sơn, chỉ riêng năm 2023 đã đóng góp cho ngân sách 820 triệu USD.

Ông Chỉ Sáng cũng nhận xét, hiện có những doanh nghiệp ô tô có cơ sở sản xuất tại Việt Nam đã mang các mẫu xe điện, xe hybrid thâm nhập thị trường và bắt đầu sản xuất, lắp ráp ngay tại Việt Nam như Công ty Hyundai Thành Công với các mẫu xe điện IONIQ5 hay xe Santa Fe Hybrid.

Chỉ khi duy trì được sản xuất hiện tại các doanh nghiệp sản xuất ô tô mới tiếp tục đầu tư mở rộng để sản xuất nhiều hơn, nhất là các mẫu xe xanh tại Việt Nam để tạo sự đa dạng cho người tiêu dùng lựa chọn.

Chính những đầu tư tiếp theo vào xe xanh của các doanh nghiệp này sẽ là đòn bẩy để giảm nhanh lượng phát thải từ ngành ô tô thời gian tới.  

“Đây chính là vừa giữ được sản xuất, phát triển ổn định, vừa đóng góp thiết thực và nhanh chóng về giảm phát thải cho các cam kết của Việt Nam tại COP26 mà lại phù hợp với điều kiện kinh tế thực tế của đất nước”, Chủ tịch VAMI nhận xét.

(Nguồn https://vietnamfinance.vn/giam-50-phi-truoc-ba-cho-o-to-san-xuat-trong-nuoc-dan-hao-huc-nha-san-xuat-mong-d112921.html)